Tìm hiểu Nhà Lớn Long Sơn Vũng Tàu

Thân thế và Sự nghiệp:

  • Lê Văn Mưu là người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).
  • Năm 19 tuổi (1874), ông Mưu lấy vợ họ Đoàn, người ở Vĩnh Gia (Châu Đốc), ông có ba người con gồm 2 trai và 1 gái.

Tham gia phong trào chống Pháp

  • Khoảng năm 1885, Lê Văn Mưu khi ấy chừng 30 tuổi, đã tìm đến làng An Ðịnh, nơi chân núi Tượng (nay thuộc xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để xin làm đệ tử Ngô Lợi (1831–1890, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa), và tham gia phong trào kháng Pháp cũng do ông này lãnh đạo.
  • Năm 1887, quân Pháp ở Châu Đốc do thiếu tá Peiqnaux chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự dữ dội ở núi Trà Sư, nên khi quân Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn…
  • Năm 1890, Ngô Lợi mất, cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo cũng dần tàn lụi. Khoảng thời gian ấy, Lê Văn Mưu phải về ẩn ở quê.
  • Bị quân Pháp truy lùng, Lê Văn Mưu dự định đi đến miền Đông Nam bộ để lánh nạn và phát triển mối đạo, nhưng vì vợ ông không muốn rời quê nên khi vợ qua đời, ông mới tiến hành.

Quá trình xây dựng

  • Năm 1891, Lê Văn Mưu cùng gia quyến và khoảng 20 đồng đạo xuống 5 chiếc ghe lớn, từ Hà Tiên vượt biển đến định cư tại Vùng Vằng (vũng biển ở phía Đông Bắc thành phố Bà Rịa ngày nay). Ở đây, ông hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, làm muối và bán muối tại chỗ. Có khi, ông dùng ghe chở muối về miền Tây hoặc sang tận Phnom Penh (Campuchia) để bán hay đổi lấy lúa gạo
  • Năm 1900, Ông Trần cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền. Sau khi nhận thấy phía Nam đảo núi Nứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp và truyền đạo. Vào khoảng năm 1909, Ông Trần đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được chấp thuận, năm 1910, Ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn.

Khai sáng và Phát triển Đạo

  • Năm Giáp Thìn (1904), một trận bão lụt lớn đã gây thiệt hại nặng miền Tây Nam Bộ. Nghe tin dân đói khổ, ông Trần đã mở kho gạo cứu dân. Sau sự kiện này, phần thì cảm mến ông, phần thì thấy đảo Long Sơn là nơi yên ổn, dễ làm ăn, nên rất nhiều người đã rủ nhau đến lập nghiệp, khiến nơi này thêm đông đúc.
  • Vừa cảm phục, vừa thấy ông Mưu thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân không gọi tên thật mà gọi ông là Ông Trần. Ngoài ra, việc đi chân trần, để đầu trần còn mang ý nghĩa “đầu đội trời, chân đạp đất” của bậc anh hùng ngày xa xưa. Cho đến giờ, người dân Long Sơn vẫn tôn kính gọi “Ông Trần” bằng độc nhất một chữ “Ông”.
  • Ông Trần không đề ra triết lý mới, mà chỉ phát huy từ nền tảng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Cũng như thầy là giáo chủ Ngô Lợi, ông Trần chú trọng phát triển Phật giáo (có xen lẫn Nho, Lão và đạo thờ cúng ông bà tổ tiên), theo hình thức cư sĩ, nghĩa là tín đồ không cần “ly gia cắt ái”, tín đồ mặc quần áo bà ba, búi tóc hoặc để xõa tự nhiên và tu đâu cũng được… Ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc “tu nhân” làm nền tảng cho sự hành đạo. Đúng như lời các bậc kỳ lão ở Long Sơn đã nói: Đạo Ông Trần chỉ là đạo làm người. Ngày xưa Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu… và cứ thế mà truyền đời. Lúc sinh thời, theo con cháu ông Trần, ông có sáng tác bài thơ “Huấn Tử” (còn gọi là “Mã Triều Châu”, gồm 87 câu, theo thể thơ tự do), và cũng thường đem truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ra để dạy khuyên con cháu và tín đồ về cương thường và đạo nghĩa.
  • Và mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và một số đạo khác, nhưng đạo Ông Trần có điểm khác là: không lập chùa miễu, không kinh kệ chuông mõ, không ép buộc ăn chay và cũng không dung túng tệ mê tín dị đoan.

Năm 1927, Ông Trần lại cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), hai ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, hai cổng ra vào khu vực thờ cúng.

Năm 1928, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ.

Kể từ đó và những năm tiếp theo, Ông Trần cho xây cất 5 dãy phố (cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp), nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ (được khánh thành ngày 16 tháng 8 năm 1929), nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt, v.v… .

Nhà lớn Long Sơn do Ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn (xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành).

Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là Đền Ông Trần. (Ông Trần mất ngày 20 tháng 2 âm lịch năm Ất Hợi (24 tháng 3 năm 1935), và đã được an táng tại phía Nam kế khu nhà thờ)

Theo quyết định số 1371/QĐ-VH ngày 03 tháng 8 năm 1991, toàn thể khu Nhà Lớn đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp quốc gia.

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: iam.hieuvo
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: iam.hieuvo

Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một quy hoạch tổng thể nào cả. Các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời.

Lúc đầu, Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu, các con cháu và đệ tử Ông Trần đã cho thay thế một phần bằng gạch ngói và xi măng.

Nhìn chung, Nhà Lớn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành ba khu riêng biệt đó là: Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần (nằm về phía Nam kế khu nhà thờ, rộng 42 m2, lát gạch, có tường hoa bao bọc. Phía đầu ngôi mộ có một miếu nhỏ thờ Ông Trần), và một quần thể bao gồm nhiều nhà với nhiều chức năng khác nhau như đã kể trên. Tất cả đều thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp.

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: iam.hieuvo
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: iam.hieuvo

Đặc biệt nhất ở Nhà Lớn Long Sơn là khu nhà thờ với diện tích 2ha, gồm tam quan, vườn hoa Bát quái, và nhiều nhà thờ, trong đó có các nhà lầu 2 tầng (tầng dưới lát gạch, tầng trên lát gỗ) 8 mái ngói là: Lầu Cấm (Tiền điện), Lầu Phật (Chính điện), Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Dài; và nhà trệt lợp ngói là: Nhà Thánh, Nhà Hậu (Hậu điện).

Bên trong các ngôi nhà này, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Nổi trội nhất là các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ.

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: Hieu.Ricky
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: Hieu.Ricky

Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử và thời gian nhưng đến nay toàn bộ khuôn viên Nhà Lớn vẫn còn nguyên vẹn không hề mai một cùng với những phong tục, tập quán của đạo Ông Trần. Đây là một tín ngưỡng khác lạ pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau nhưng không hề có kinh kệ, chuông mõ, ăn chay, cũng như tệ mê tín dị đoan mà chỉ có những lời dạy truyền khẩu trong dân gian.

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: DatNguyenTuan
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: DatNguyenTuan

Tục chết chung hòm bắt nguồn từ chính lời răn dạy của Ông Trần: “Sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách”. Khi nhà có tang ma sẽ được hàng xóm và người dân trong làng giúp đỡ, lo khâm liệm sau đó đi thỉnh chiếc bao quan dùng chung để về mai táng.

Người chết được bọc quấn trong 3 lớp, quấn chiếu một cách hết sức cẩn trọng, sau đó đặt vào chiếc hòm dùng chung rồi khiêng ra huyệt để chôn cất. Sau khi thi hài được đưa xuống huyệt và chôn cất xong, người ta sẽ dựng hai tấm lá mô phỏng mái nhà với ý nghĩa người chết cũng vẫn cần có nhà.

Nên đám xác ở Long Sơn không diễn ra linh đình hay thời gian kéo dài, tất cả đều diễn ra chóng vánh. Người ta cũng không tổ chức ăn uống mà chỉ làm bữa cơm đạm bạc với tinh thần tiết kiệm, không xa hoa phung phí. Cũng chính vì vậy mà các đám xác ở Long Sơn đều không hề tốn kém hay rình rang như những nơi khác.

Cụ Võ Văn Chót và chiếc bao quan dùng chung của người dân làng biển Long Sơn

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn: Sưu tầm
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn: Sưu tầm

Hàng năm, vào ngày vía Ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Trùng Cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục ngàn người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ về tham dự.

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn: Cô Thanh Hà
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn: Cô Thanh Hà

Ngày nay, người dân theo đạo Ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo ba bà đen, đi chân đất, đầu để tóc búi gọn sau gáy. Người dân Long Sơn vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt cũng như tính cách đậm chất Nam bộ, thật thà, hiếu khách. Khi đến thăm Nhà Lớn, du khách còn được thưởng thức các món khoai mì hấp nước dừa trộn đậu phộng; bánh ít trần, bánh quy… mang nét đặc trưng của Long Sơn.

Bên cạnh các ngày vía Ông, Lễ Trùng Cửu, nếu du khách đến Nhà Lớn vào ngày 21 tháng chạp, sẽ được chứng kiến cảnh viết liễn Tết ở Nhà Lớn. Hình ảnh những ông già mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn, ngồi trên chiếc chiếu, tay miệt mài viết liễn là nét đẹp được lưu truyền từ nhiều đời nay tại xã đảo này. Đây cũng là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được phong tục viết liễn đón Xuân tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Nội dung những câu viết trên liễn ngày Tết ở Nhà Lớn thường là có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.

Nhà Thờ Đạo Ông Trần - Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: Acurale
Nhà Thờ Đạo Ông Trần – Long Sơn, Vũng Tàu | Nguồn IG: Acurale

Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ: Đường Hoàng Sa – Thôn 5, Xã Long Sơn, Long Sơn, Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu
  • Điện thoại: 098 167 40 89

Một số lưu ý bạn cần biết khi đi Nhà Lớn Long Sơn Vũng Tàu:

  • Không tự ý sờ các hiện vật bên trong Nhà thờ.
  • Giữ gìn vệ sinh chung khi đi tham quan.
  • Lựa chọn các trang phục phù hợp và lịch sự để đi thăm Nhà thờ.
  • Không dùng lời văn tục, chế giễu.
  • Khi chụp hình tránh tạo dáng phản cảm ở không gian uy nghi và linh thiêng của Nhà thờ.
  • Trước khi đi, nên đổi một ít tiền nhỏ để có thể lễ hay bỏ vào hòm công đức tùy tâm.
  • Tuân theo quy định của người quản Nhà thờ.

Xem thêm:

Amenties

  • Văn hoá địa phương
Chi tiết bổ sung
Tiện ích giải trí
  • Cảnh quan đẹp
Tiện ích
  • Có WC / Toilet
  • Khu đậu xe máy
Booking.com